Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đánh giá đào tạo

Chi tiết Được viết: 06-05-2019

Để đảm bảo chất lượng đào tạo cho nhà trường, hàng năm Khoa Dược - Xét nghiệm định kỳ tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức thảo luận về các hoạt động quản lý đào tạo, hướng dẫn các hoạt động ứng dụng công nghệ trong dạy và học,... nhằm giúp cho các giảng viên được cập nhật, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để kịp thời đáp ứng cho người học.

Ngày 16/3/2019, Khoa Dược – Xét Nghiệm trường Cao Đẳng Y Tế Bạc Liêu đã tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đánh giá đào tạo với chủ đề  Ứng dụng phần mềm TNMaker trên Smartphone chấm bài trắc nghiệm”. Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề gồm có Tiến sĩ Phạm Thị Nhã Trúc – Trưởng Khoa Dược – Xét Nghiệm, Thạc sĩ Lâm Thị Ngọc Giàu – Phó Khoa Dược – Xét Nghiệm và các Tổ bộ môn Dược liệu – Quản lí dược, Hóa Phân Tích – Kiểm nghiệm, Dược lý – Dược lâm sàng và Tổ bộ môn Xét nghiệm.

Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Thanh hướng dẫn sử dụng phần mềm TNMaker

Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Thanh hướng dẫn sử dụng phần mềm TNMaker

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Thạc sĩ Trần Thị Mỹ Thanh, Tổ trưởng Tổ bộ môn Hóa phân tích – Kiểm nghiệm đã trình bày những lợi ích của việc ứng dụng phần mềm TNMaker trên Smartphone trong chấm kiểm tra trắc nghiệm và hướng dẫn các giảng viên từng bước thực hiện. Theo Thạc sĩ Thanh, ưu điểm của phần mềm này giúp giảng viên chấm và trả bài rất nhanh cho sinh viên. Ngoài ra, ứng dụng này còn giúp các giảng viên xem được biểu đồ điểm của sinh viên, đặc biệt hơn ứng dụng có phân tích đáp án để biết được câu nào nhiều sinh viên làm đúng, câu nào có tỷ lệ sinh viên làm sai nhiều. Như vậy, căn cứ vào thống kê này, các giảng viên có thể đưa ra cách đánh giá phù hợp từ đó giúp cho các giảng viên rút kinh nghiệm trong việc thiết kế câu hỏi đánh giá người học. Ứng dụng phần mềm TNMaker không những có ý nghĩa về mặt đánh giá tỷ lệ các câu hỏi khó dễ, các lỗi hay gặp của sinh viên mà còn có ý nghĩa là công cụ để các thầy cô đưa ra các thử nghiệm về độ nhiễu của đáp án trong bài thi trắc nghiệm, đánh giá sự tiến bộ khi đối mặt với các bẫy trắc nghiệm qua từng bài kiểm tra của sinh viên.

Các giảng viên đang thực hành trên phần mềm TNMaker

Các giảng viên đang thực hành trên phần mềm TNMaker

Sau buổi sinh hoạt chuyên đề, các giảng viên đã nắm rõ và thực hiện được cách chấm kiểm tra trắc nghiệm một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó, TS. Phạm Thị Nhã Trúc đã kết hợp xây dựng mẫu phiếu chấm dựa trên mẫu phiếu chấm của phần mềm TNMaker để tạo thành mẫu phiếu chấm riêng cho nhà trường. Như vậy, ứng dụng phần mềm TNMaker là một hoạt động giúp nhà giáo dần dần tiếp cận với công nghệ 4.0 trong công tác dạy và học./.

DS. LÊ THỊ BẠCH YẾN

Các bài viết liên quan:

LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập: