Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên

Chi tiết Được viết: 10-06-2016

Tuổi vị thành niên là những người ở sau tuổi thiếu nhi và trước tuổi trưởng thành. Đây là giai đoạn chuyển tiếp nhưng là một giai đoạn khác biệt và quan trọng trong cuộc sống con người. Giai đoạn này có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, bước đầu hình thành nhân cách và là giai đoạn đánh dấu bước phát triển lớn từ phạm vi gia đình, họ bước đầu gia nhập vào xã hội cộng đồng, vào tập thể cùng nhóm tuổi và phát triển những kỹ năng. Với những đặc điểm sinh lý riêng biệt, họ muốn khẳng định mình nên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử. Sự thay đổi và phát triển này phụ thuộc rất nhiều vào các phong tục tập quán dân tộc của các nước mà trong từng nước, từng dân tộc lại có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển.

Năm 1998, Tổ chức y tế thế giới (WHO), Quỹ nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF) và Quỹ dân số liên hiệp quốc (UNFPA) đã thống nhất phân loại nam nữ còn trẻ tuổi thành 3 loại: vị thành niên 10-19 tuổi, thanh niên 15-24 tuổi, người trẻ 10-24 tuổi. Với định nghĩa này, vị thành niên (VTN) chiếm 20% dân số thế giới.

Tuổi vị thành niên được phân định thành 3 giai đoạn (hoặc 3 nhóm): Vị thành niên sớm (từ 10-14 tuổi), Vị thành niên trung bình (từ 15 - 17 tuổi), vị thành niên muộn (từ 18 - 19 tuổi).

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tuổi vị thành niên (CSSKVTN) không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà đòi hỏi cả xã hội, chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình cùng phối hợp thực hiện. Trong đó, Cha mẹ, Thầy cô, Y bác sĩ, Đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội... phải là những đối tượng chính, phối hợp tích cực trong các chương trình giáo dục giới tính.

Tuổi vị thành niên thường thiếu kiến thức về tình dục, tránh thai, thụ thai như thế nào, các dấu hiệu của thai nghén, các viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt, các vị thành niên trẻ có thể không thú nhận có quan hệ và không nghĩ là sẽ có thai sau một lần quan hệ, do đó không có biện pháp phòng ngừa khi quan hệ tình dục.

Tuổi vị thành niên cần được quan tâm đến những nhu cầu phát triển về mọi mặt như: sức khỏe, sự phát triển tình cảm và hành vi, những biểu hiện xã hội, mối quan hệ gia đình và xã hội, sự giáo dục của gia đình và xã hội và nhất là kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Những mối quan hệ này nếu không được gắn kết chặt chẽ sẽ khiến trẻ hạn chế tiếp cận với người lớn để giải đáp những thắc mắc của mình về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Do thiếu hiểu biết về tình dục an toàn và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), nhiều vị thành niên đã phải gánh chịu những biến chứng nặng nề từ việc nạo phá thai không an toàn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của các em mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của tuổi mới lớn… Do đó, việc giáo dục kiến thức về tình dục, CSSKSS cũng như sự thay đổi thể chất, tinh thần, cảm xúc là rất quan trọng. Việc CSSKSS vị thành niên sẽ hướng các em vào lối sống điều độ; từ đó các em có suy nghĩ, đánh giá, lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu, không mắc phải những sai lầm đáng tiếc ảnh hưởng đến hạnh phúc và tương lai sau này.

Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều gia đình chưa quan tâm vấn đề này. Một phần do nhận thức và không có kiến thức cơ bản về CSSKSS vị thành niên nên gia đình không thể tư vấn, theo dõi được con mà để các em tự mày mò, tìm hiểu.

Thực tế, số trường trên địa bàn cả nước hằng năm đều có vài nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn, đây là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng vị thành niên mang thai ngoài ý muốn ngày càng gia tăng.

Trần Thị Mão - Bộ môn Sức khỏe - Sinh sản

Các bài viết liên quan:

LƯỢT TRUY CẬP

Tổng số lượt truy cập: